Gạo rang cháo nhớ: Nhớ đến nao lòng những bữa quà chiều…
Mẹ bảo thèm cháo sườn gạo rang thời cổ tích. Thế là tôi lại sai truyền sang cho chị giúp vo gạo để ráo rồi rang vàng. Chảo rang vừa nhiệt cho gạo vàng từ ruột vàng ra. Gần đủ độ đậm màu thì to lửa lên cho vàng xém bốc hơi khói. Rồi tắt bếp, đậy thật kín chảo cho gạo ám mùi khói.
Chảo nguội rồi thì giã vỡ gạo, múc hai phần ra, một phần còn lại giã nhuyễn mịn. Gạo giã thơm như thính rang ấy. Mà mịn thế là thính chứ gì. Tự nhiên lại nhớ bà nội tôi xưa từng làm với bì lợn thời bao cấp phân phối. Bà tôi rang thính giã thính rất ngon. Và đĩa nem thính của bà với lớp lá chanh thái tơ bên trên như một đám mây huyền diệu ấy.
Nấu nướng theo lời các bà Hà Nội thì chả có món gì khó. Cứ yêu thức món ấy, đặt lòng vào nó là sẽ ngon. Hai phần gạo giã ngâm riêng với nước cho nở mềm. Cân sườn rửa sạch, cũng ngâm nước muối cho nhả hết huyết rồi mới ninh thật dừ. Sườn tươi nên mùi nước ninh rất thơm. Gỡ và giã thịt cho tơi.
Phi hành vàng thì vớt ra để sau rắc mặt bát. Lợn mà thiếu hành nó cứ ấm ức sao ấy. Rồi xào thịt đằm đặm với nước mắm, mì chính. Lúc này mà ngày xưa ấy là tôi sẽ ra nhón trộm của bà một nhón mà bỏ tóm vào miệng. Vừa khum môi vừa khù khù thổi cho nguội nhón thịt nóng giãy lưỡi.
Nước ninh lọc lại cho đỡ ngại vụn xương rồi nấu với phần gạo giã vỡ và thịt gỡ trước. Cháo nở tới độ rồi thì cho phần bột mịn ngâm nở vào nấu chung. Nhỏ lửa nấu chín nhừ quánh, nêm nếm lại là được. Phải nấu làm hai lượt như vậy là nhớ lối của bà của mẹ. Nấu chung hai thứ cũng được nhưng hạt cháo không nở bung được mà phần sữa cháo lại bị quánh quá, ăn dính miệng lắm.
Là hồi bé hay hóng ăn, loanh quanh trong bếp với các bà các cô mà biết chứ có ai dạy cho cái gì đâu. Tôi theo lối cũ khuấy cháo bằng chiếc đũa cả. Xong thì thằng con lao ngay đến xin cái đũa cả để gặm. Chẳng bảo chẳng dạy bao giờ mà giống hệt nhau, tôi xưa cũng thế. Gặm xong lại nhăm nhăm khuấy lại vào nồi cháo lấy cái gặm tiếp. Và thể nào bà tôi cũng cho một sống quạt nan vào tay. Vì làm thế sẽ vữa nồi cháo. Lại nữa, là chỉ được khuấy theo một chiều, đang khuấy mà đổi chiều thì cháo sớm muộn gì cũng vữa.
Bát cháo múc ra phải hanh hanh vàng màu gạo rang vậy là ổn. Cháo sườn thì phải có hạt tiêu bột, ớt bột và quẩy giòn cắt nhỏ. Nhắc đến ớt bột ăn cháo thì kể thêm một chút. Ấy là thứ ớt khô rang thơm rồi mới xay hoặc giã. Bột nhưng còn rõ từng cánh ớt li ti và nguyên hạt. Nó sẽ cay nhoi nhói làm nổi vị những cháo sườn, cháo trai.
Thứ ớt bột xay mịn là chỉ dành cho ai không biết ăn cay thôi. Một chút ít rắc lên bát cháo cho cay khe khẽ mơ hồ thôi ấy. Tôi nhớ lần đầu biết ăn cay cũng là vị ớt bột trong món cháo sườn khi 5 tuổi. Nhiều người còn rắc lơ phơ tí hành lá thái li ti lên bát cháo, là cho có màu thôi chứ không nhất thiết. Đưa thìa cháo lên miệng thì thấy thơm sườn ninh, mùi gạo rang, thứ mùi của cháo nấu kỹ ấy.
Tôi lại nhớ mùi những bữa quà chiều thời học mẫu giáo. Ngủ trưa dậy, mỗi đứa sẽ được một bát cháo nhỏ thêm nửa quả chuối trứng cuốc, vừa đủ mềm mại bữa chiều chứ no quá lại không ăn được cơm tối.
Bà cấp dưỡng bếp của trường cũng gái Hà Nội gốc. Và nấu cháo bao giờ cũng rang gạo hoặc ngâm gạo rồi xay nước. Bà ấy là bạn của bà nội tôi, gái phố cổ chơi với nhau từ thuở chưa cách mạng. Bà tôi cũng vậy, kêu nấu cháo từ bột khô xay sẵn vị hay bị chua.
Ừ nhỉ! Những thứ nhanh và tiện thì dễ khiến người ta lười làm, lười nghĩ, lười nhớ hơn hay sao ấy! Tôi cũng lười lắm nhưng tôi bị bệnh hay nhớ ngày xưa. Tự nhiên lại thèm đến nao lòng những bát cháo quà chiều. Tôi thèm cháo lạnh, là hay đậu đen nấu bằng thứ gạo ngâm kỹ, và ăn với mấy miếng đậu rán tẩm hành với mấy quả cà muối. Thế đấy! Đã già đâu mà cứ lẩn thẩn nhớ nhớ nhung nhung vậy này!.