Không chủ quan với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trong mùa đông

Mắc đã hơn 20 năm, ông Nguyễn Ngọc Oanh, ở xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai luôn phải đối mặt với những khó khăn của chứng bệnh này mỗi mùa đông đến.

“Thường thường là lạnh, bệnh tái phát là ho, có đờm. Một là mình phải uống thuốc ngay, trường hợp có dấu hiệu nặng là phải đi viện, có năm 2 lần, năm thì tới 3 lần. Còn lại tự bản thân cũng phải tìm cách để rèn luyện”, ông Oanh nói.

Còn ông Ngô Xuân Trưởng, ở phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai cũng là một trong số gương mặt quen thuộc tại bệnh viện vì cứ “đến hẹn lại lên”: “Tôi cũng bị tắc nghẽn, ho, khó thở, cứ thay đổi thời tiết là bị, nhất là vào mùa thu, đông, mùa hè thì ít hơn. Tôi vào viện nằm được 13 ngày rồi, cảm giác thấy đã dễ thở và ít ho hơn”.

Không chủ quan với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trong mùa đông - Ảnh 1.

Tỷ lệ người mắc phổi tắc nghẽn mạn tính luôn nằm ở mức cao

Hiện, Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai đang quản lý, điều trị cho khoảng 700 bệnh nhân có các bệnh lý về hô hấp; trong đó, riêng nhóm bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mạn tính chiếm tới một nửa, chủ yếu ở nam giới trung niên, cao tuổi.

Với số giường bệnh được giao là 50, khoa thường xuyên trong tình trạng quá tải, đặc biệt là trong các thời điểm giao mùa hoặc bước sang mùa đông lạnh giá vốn khắc nghiệt ở vùng cao như Lào Cai.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Định, Trưởng Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai, các bệnh lý về hô hấp tuyệt đối không thể chủ quan vì dễ biến chứng sang suy hô hấp. Nhất là các bệnh như phổi tắc nghẽn mạn tính được Tổ chức Y tế thế giới xếp hàng thứ ba trong các nguyên nhân gây tử vong trên toàn cầu.

Không chủ quan với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trong mùa đông - Ảnh 2.

Các bác sĩ khuyến cáo tuyệt đối không chủ quan với các chứng bệnh về hô hấp

Để phòng ngừa chứng bệnh nguy hiểm này, bác sĩ Định khuyến cáo mỗi người nên tránh tiếp xúc với khói thuốc, môi trường ô nhiễm không khí; tăng cường giữ ấm hơi thở; thường xuyên vệ sinh miệng, họng, nhất là trong mùa đông, lúc giao mùa khi các chủng virus, vi khuẩn hoạt động mạnh.

“Với những người chưa mắc các bệnh lý về hô hấp, đặc biệt là bệnh hen COPD thì khuyến cáo trước mùa lạnh nên tiêm cúm và cố gắng tiêm mỗi năm một lần; tuân thủ việc dùng thuốc để ngừa cơn, ngừa tái phát. Đồng thời, loại bỏ các yếu tố nguy cơ bằng cách tránh lạnh, giữ ấm, ăn đủ các chất dinh dưỡng, và phải tập thở phục để hồi chức năng hô hấp”, bác sĩ Nguyễn Thị Định cho biết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *